(PTCNO) – Nhờ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động sản xuất và xuất khẩu chip của ASEAN dự báo tăng trưởng khả quan trong dài hạn. Tuy nhiên, theo ngân hàng Maybank, ngành công nghiệp bán dẫn của ASEAN cũng đối mặt không ít thách thức, trong đó có cuộc chạy đua trợ cấp sản xuất chip ở các nền kinh tế tiên tiến.
Nhờ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động sản xuất và xuất khẩu chip của ASEAN dự báo tăng trưởng khả quan trong dài hạn. Tuy nhiên, theo ngân hàng Maybank, ngành công nghiệp bán dẫn của ASEAN cũng đối mặt không ít thách thức, trong đó có cuộc chạy đua trợ cấp sản xuất chip ở các nền kinh tế tiên tiến.
ASEAN đóng vai trò lớn trên thị trường bán dẫn, chiếm 23% thị phần xuất khẩu chip toàn cầu vào năm 2022 theo ngân hàng đầu tư Maybank. Ảnh: eria.org
Báo cáo công bố hôm 2-9 của ngân hàng đầu tư Maybank (Malaysia) ghi nhận, ASEAN đóng vai trò lớn trên thị trường bán dẫn, chiếm 23% thị phần xuất khẩu chip toàn cầu vào năm 2022.
Singapore dẫn đầu với 10,8% thị phần, tập trung vào sản xuất chip nhớ và chip công nghệ cũ cho nhiều ứng dụng khác nhau nhưng nước này vẫn chưa sản xuất chip xử lý cao cấp. Malaysia nắm giữ 7% thị phần, vượt trội ở khâu hạ nguồn gồm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip.
Quy mô của ngành công nghiệp bán dẫn của Philippines, Việt Nam và Thái Lan còn tương đối nhỏ, lần lượt chiếm 2,5%, 1,7% và 1% xuất khẩu chip toàn cầu, chủ yếu ở các phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Trong những năm gần đây, Malaysia và Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu chip và đầu tư vào ngành bán dẫn.
Malaysia đang dẫn đầu trong cuộc đua thu hút đầu tư vào ngành này nhờ chuỗi cung ứng lâu đời, nguồn cung nhân tài và năng lượng dồi dào cũng như chi phí kinh doanh hợp lý. Năm 2023, mức đầu tư được phê duyệt trong lĩnh vực điện và điện tử tại Malaysia tăng gần gấp ba lần so với năm trước đó. Trong quí đầu đầu tiên của năm nay, vốn đầu tư được phê duyệt trong lĩnh vực này ở Malaysia tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7,3 tỉ đô la Mỹ.
Hồi tháng 5, Malaysia công bố chiến lược bán dẫn quốc gia bao gồm các ưu đãi và hỗ trợ tài chính có trọng điểm, trị giá 5,3 tỉ đô la Mỹ. Chiến lược sẽ thực hiện theo ba giai đoạn, với mục tiêu thu hút 500 tỉ ringgit (115 tỉ đô la) đầu tư trực tiếp trong nước nước ngoài trong giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, Malaysia đặt mục tiêu thành lập ít nhất 10 công ty trong nước về thiết kế và đóng gói chip tiên tiến với doanh thu hàng năm ít nhất 1 tỉ ringgit. Nước này sẽ thiết lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu về bán dẫn trong giai đoạn 3.
Theo Maybank, nhờ thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất chip, thị phần xuất khẩu bán dẫn trên toàn cầu của Malaysia và Việt Nam tăng đáng kể trong giai đoạn 2015-2022. Ngược lại, thị phần xuất khẩu bán dẫn của Singapore giảm 2,9 điểm phần trăm trong giai đoạn này dù lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu và phát triển chip ở đây tiếp tục tăng trưởng mạnh. Thị phần của Thái Lan cũng giảm từ 1,4% năm 2015 xuống còn 1% vào năm 2022. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của Philippines và Indonesia hầu như không thay đổi.
“ASEAN đang được hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip toàn cầu ra khỏi khu vực Bắc Á trong bối cảnh Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc và căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Đài Loan”, trích báo cáo của Maybank.
Ngân hàng đầu tư này lưu ý, dòng vốn FDI mạnh mẽ đang giúp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu bán dẫn của ASEAN trong dài hạn. Dự báo, đà tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử của ASEAN sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025. Doanh số xuất khẩu hàng điện tử tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu chip, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu chip của Singapore và Malaysia.
Tuy nhiên, ASEAN đang đối mặt với một số trở ngại trong tham vọng bán dẫn. Đó là, cuộc chạy đua trợ cấp sản xuất chip của các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể kìm hãm nguồn vốn FDI vào ASEAN do nguồn lực ưu đãi hạn hẹp của khu vực này. Nỗ lực tự cung tự cấp bán dẫn của Trung Quốc cũng đang làm giảm nhu cầu về chip nhập khẩu, với nhập khẩu chip giảm 19% trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Philippines sẽ là những nước đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc.
Cuối cùng, xu hướng mở rộng các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ có thể tác động đến ASEAN khi các tập đoàn đa quốc gia đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc.
Theo Business Today, The Edge
Chánh Tài