(PTCNO) – Thời gian gần đây, có nhiều người nêu giải pháp dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước, từ chuyện giảm kẹt xe đến kiểm soát doanh thu của các sàn thương mại điện tử, từ chống ngập nước đến chống thất thu thuế.
AI, nhất là loại AI tạo sinh, đã có những đột phá trong vài năm qua, được kỳ vọng sẽ đem lại những cải thiện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đến quản trị công.
Thế nhưng đặt quá nhiều kỳ vọng vào AI như một loại thần dược trị bách bệnh dẫn tới nhiều rủi ro, kể cả bỏ qua những thiếu sót cơhữu của AI cũng như sự chủ quan không nỗ lực tìm các giải pháp khác mà cứ trông chờ vào AI.
Mới cách đây vài năm, sự cường điệu hóa “thành phố thông minh” như một khái niệm thần kỳ giúp giải quyết các vấn đề của quản lý đô thị như xử lý rác, quản lý giao thông, chống ngập nước, chống ùn tắc chỉ rộ lên một thời gian rồi tắt ngúm. Rất dễ rơi vào một mức độ cường điệu hóa tương tự với AI.
Không phải tự dưng mà nhiều nhà khoa học, trong đó có cả Geoffrey Hinton, nhân vật được mệnh danh là cha đỡ đầu của AI, người vừa được trao giải Nobel năm nay lại đưa ra những cảnh báo trước các mối nguy AI có thể gây ra cho con người. Không đi sâu vào các cảnh báo này, chúng ta cũng phải thừa nhận các hệ thống AI hiện nay đều mắc phải một căn bệnh nặng: chúng thỉnh thoảng bị ảo giác (hallucination), đưa ra thông tin sai lệch mà cứ tin chắc là đúng. Chỉ chừng đó thôi cũng buộc chúng ta phải rất thận trọng với việc sửdụng AI vào các quy trình quản lý công.
Lấy ví dụ chuyện dùng AI để giảm kẹt xe – đây là chuyện khả thi chứ không phải cường điệu nhưng để đạt được đích nhắm này, cần phải xây dựng một hệ thống camera cảm biến, hệ thống đèn giao thông điều khiển bằng AI… để có thể giám sát và điều chỉnh lưu lượng giao thông, thời gian tắt mở đèn theo thời gian thực. Như vậy AI chỉ là một thành phần nhỏ trong hệ thống, trong đó ý thức con người vẫn là yếu tố quyết định. Trong một ví dụ khác, AI rất giỏi trong dịch thuật nhưng giả sử một cơ quan được giao nhiệm vụ làm hướng dẫn công cộng bằng nhiều thứ tiếng, liệu cơ quan này có thể phó mặc chuyện dịch cho AI với rủi ro chúng có thể dịch sai chỉ 1% nội dung cũng đã hỏng chuyện.
Hiện nay AI là công cụ hỗ trợ đắc lực cho từng cá nhân, giúp họ nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng công việc nhưng AI chưa thểtự nó tham gia vào các quy trình ở quy mô toàn tổ chức, toàn công ty. Lấy ví dụ, một luật sư có thể sử dụng AI để tra cứu thông tin luật pháp một cách nhanh chóng nhưng không một tòa soạn báo chí nào dám dùng chỉ một mình AI làm người trả lời các thắc mắc luật pháp hay tư vấn pháp luật cho độc giả. Lỡ AI rơi vào ảo giác, dù chỉ một trường hợp, cũng gây ra hệ quả không tốt.
Trong quản lý nhà nước, một thái độ đúng mực với AI là cách tiếp cận như nhiều nước, vừa nghiên cứu tìm hiểu vừa đặt ra những quy định kịp thời để chấn chỉnh những trường hợp lạm dụng AI. Đó có thể là các quy định cấm sử dụng AI để làm ảnh giả, nhất là ảnh ghép mang tính chọc phá hay để lừa đảo, dùng AI để phát tán tin giả, dùng AI giả giọng người khác… Ngành giáo dục cũng phải nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cách sử dụng AI sao cho công cụ này trở thành một trợ lý đắc lực cho cả giáo viên và học sinh chứ không phải là công cụ để đạo văn. Tiềm năng AI là to lớn nhưng một khi điểm yếu của nó chưa được giải quyết triệt để, chúng ta cần thận trọng, nhất là khi ứng dụng AI vào công tác quản lý nhà nước.
Kinh tế Sài Gòn