(PTCNO) – Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển, mở rộng với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia…đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế.
Còn nhiều trường hợp chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là 1,98 triệu tỷ đồng; số thuế đã nộp gần 55.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023; có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, có gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, tăng 3.480 tỷđồng và gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷđồng.
Còn nhiều trường hợp chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, dù cơ quan thuế đang rà soát thông tin được cổng thông tin thương mại điện tử cung cấp, nhưng đến nay, mới có 18/361 sàn thực hiện việc cung cấp lại thông tin, đảm bảo đúng, đủ theo quy định.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Livestream bán hàng là kinh doanh bằng cách phát video trực tuyến trên các phương tiện như nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch, website thương mại điện tử, kênh truyền hình.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng kéo theo hệ quả khó quản lý hàng hóa, doanh thu của hàng hóa vì bán hàng trên nhiều sàn, nhiều nền tảng khác nhau, đồng thời việc thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dẫn tới rủi ro do số lượng hóa đơn phải xuất hàng ngày rất lớn, dễ sai sót số liệu, xuất hóa đơn sai thời điểm vì thực trạng bán hàng không cố định thời gian…
“Vẫn còn một số trường hợp tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký và nộp thuế đầy đủ, kịp thời”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết.
Tăng cường ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phốtăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh TMĐT. Số tiền thuế đã truy thu, tiền phạt của các tổ chức cá nhân kinh doanh TMĐT đạt hàng trăm tỷđồng, đặc biệt là tại Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM. Ngoài hai cục thuế lớn này, các địa phương khác cũng tăng cường thu, truy thu, truy phạt đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Tăng cường ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế (Ảnh minh họa: KT)
Theo Tổng cục Thuế, ngay từ đầu năm 2024, cơ quan Thuế chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, riêng Cục Thuế TPHCM đã thực hiện rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT, qua đó đôn đốc, hỗ trợ kê khai, nộp thuế được 1.298 tỷ đồng; truy thu, xử phạt 1.318 trường hợp với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng.
Khẳng định thu thuế kinh doanh TMĐT ngày càng chặt chẽ, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, hiện nay, với những nền tảng công nghệ mới và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, việc thu thuế kinh doanh TMĐT sẽ ngày càng chặt chẽ. Cơ quan Thuế thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan Thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ; qua đó ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng. Việc này để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế tại Việt Nam.
“Để tránh trường hợp bị phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự do chậm kê khai, nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT cần chủ động tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, nhằm tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh”, ông Nguyễn Ngọc Dũng khuyến nghị.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tửdành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụthuế một cách thuận tiện. Ngành thuế sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Theo đó, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế; tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán.
Đặc biệt, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp và lộ trình làm sạch tài khoản cho các trang TMĐT và các trang mạng xã hội thực hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo; ban hành các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, kỹ thuật để sửdụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử đáp ứng mục tiêu quản lý hoạt động TMĐT; phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động TMĐT nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế.
Diệp Diệp/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-post1114196.vov