(PTCNO) – Cạnh tranh gay gắt về công nghệ thông tin trong ngành y tế chính là chìa khóa mở cánh cửa cho nhiều cơ hội và giá trịmới trong lĩnh vực đặc thù này. Các doanh nghiệp công nghệ có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của lĩnh vực y tế
Gặp chúng tôi sau vòng đấu trực tiếp cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 – Saigon Govtech Challenge 2024” (Gov.Star 2024) do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức, anh Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân, say sưa nói về các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mà công ty anh đang theo đuổi.
Số hóa cơ sở y tế
“Tôi vừa ký biên bản ghi nhớ với một công ty xét nghiệm ở Hà Nội để triển khai ứng dụng congdongphongkham.com cho các tháng cuối năm 2024, đến năm 2025 sẽ triển khai tiếp với 100 phòng khám” – anh Kiều khoe.
Congdongphongkham.com là dự án mới nhất do Song Ân phát triển cuối năm 2023. Đây là một nền tảng sinh thái đa chức năng dành cho các phòng khám quy mô nhỏ và vừa, các khách hàng (bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý y tế).
Dự án hướng đến việc hỗ trợ phòng khám kê đơn, tính tiền dịch vụ, quản lý khách hàng, mua sản phẩm, liên kết với nhà cung cấp xét nghiệm…; hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ mong muốn, đánh giá và xem phản hồi của những người từng sử dụng dịch vụ.
“Bộ Y tế đã ban hành các thông tư về việc đẩy mạnh áp dụng kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo toa. Trong khi đó, Việt Nam hiện có gần 48.000 phòng khám, hầu hết không liên thông được với cổng dược quốc gia. Congdongphongkham.com ra đời nhằm giúp các chủphòng khám dễ dàng quản lý và kết nối, liên thông với cổng dược quốc gia, giúp hạn chế tình trạng lờn thuốc” – anh Kiều giải thích.
Những năm trở lại đây, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là yêu cầu bắt buộc nhằm quản lý và tối ưu hóa quy trình làm việc tại bệnh viện, phòng khám. Song Ân là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong cung ứng giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Từ khi thành lập vào năm 2009 đến nay, công ty này đã phát triển thành công hệ sinh thái phần mềm quản lý y tế EHIS, gồm: phần mềm quản lý bệnh viện EHIS, phần mềm quản lý phòng khám E-Clinic, cộng đồng phòng khám E-Clinic, phần mềm quản lý nhà thuốc E-Med và phần mềm quản lý viện dưỡng lão E-Nursinghome.
Cụ thể, EHIS tích hợp các chức năng quan trọng như: quản lý bệnh án điện tử, tự động hóa quy trình làm việc, quản lý tài chính và nguồn lực, từ đó giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ sở y tế. Hệ thống này cũng hỗ trợ kiểm soát chi phí vận hành, bảo đảm tuân thủquy định của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế.
“Nhờ tính hiệu quả của phần mềm, đến nay EHIS Song Ân đã tổ chức triển khai hệ sinh thái phần mềm quản lý y tế đến 5 tỉnh, thành; được tin dùng ở hơn 50 bệnh viện, 1.000 phòng khám và trạm y tế xã, phường, 2.000 nhà thuốc và 3 viện dưỡng lão trải dài cả nước” – anh Kiều thông tin.
Anh Nguyễn Minh Kiều, CEO Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân (thứ hai từ trái qua), nhận giải thưởng chuyển đổi số quốc gia
Chỉ giỏi chuyên môn thì chưa đủ
Là dân kỹ thuật, chuyên về lập trình, anh Kiều bắt đầu tham gia viết phần mềm quản lý cho các bệnh viện, phòng khám từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Năm 2009, anh mở công ty riêng với khát khao “làm được cái gì đó” của riêng mình từ vốn kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được.
“Thời điểm đó, chuyển đổi số vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều ngành, nhiều người. May mắn là giai đoạn đầu, công ty gặp được những khách hàng có tư duy đổi mới và quyết liệt trong việc ứng dụng số hóa vào quản lý bệnh viện. Công ty ký được hợp đồng đầu tiên với Bệnh viện Tuần Giáo ở tỉnh Điện Biên. Những tháng đầu, chúng tôi phải “nằm vùng” ở Điện Biên để hướng dẫn bệnh viện thực hành từng chút” – anh Kiều nhớ lại.
Sau hợp đồng đầu tiên, nhiều hợp đồng khác được ký kết và triển khai rất thành công nhưng đến năm 2012, nhiều vấn đề phát sinh khiến CEO trẻ Minh Kiều suýt phải đóng cửa công ty. “Công nợ nhiều, dòng tiền không về dẫn đến thâm hụt tài chính, phải mang nợ. Phân tích kỹ, tôi nhận ra thất bại của mình là do sai lầm trong quản lý. Vậy là tôi đi học về quản trị DN và từng bước khắc phục những vấn đề trong quản lý, vận hành, quản trị tài chính lẫn cách thức đối ngoại với khách hàng. Vài năm sau, công ty đạt được tài chính dương và dần phát triển ổn định đến nay” – anh Kiều kể.
Đến nay, khi doanh thu công ty đạt khoảng 40-50 tỉ đồng/năm, anh Kiều càng quan tâm bảo đảm dòng tiền. “Nếu doanh thu lớn mà khách hàng chiếm dụng vốn, không thanh toán hợp đồng thì sẽ rất rủi ro” – anh diễn giải.
Trong lĩnh vực chuyên môn, anh Kiều nhìn nhận hiện nay, dư địa chuyển đổi số trong ngành y tế còn rất lớn song yêu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe hơn. Công nghệ phát triển nhanh, DN buộc phải cập nhật, học hỏi, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục nếu không muốn trở nên lạc hậu.
Nếu 15 năm trước, khách hàng chủ động tìm đến các công ty công nghệ để đặt hàng, ký hợp đồng mua phần mềm thì hiện nay đã ngược lại. “Cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đơn giá phần mềm ở hầu hết lĩnh vực đã rẻ hơn trước rất nhiều. Dù vậy, tôi không ngại cạnh tranh bởi trong ngành này, DN hơn nhau ở chỗ có sản phẩm phù hợp, mang lại cho khách hàng nhiều giá trị cộng thêm, tối ưu hóa việc quản lý của họ hay không” – anh Kiều tự tin.
CEO sinh năm 1984 của Song Ân chia sẻ mong muốn phát triển công ty gấp đôi, gấp ba lần so với hiện nay. Anh cho rằng với nội lực của công ty, DN sẽ phát triển ổn định, từng bước chứ không thể bứt phá.
“Vẫn cần nhà đầu tư đồng hành, vạch ra chiến lược rõ ràng và cùng tham gia thực hiện, giúp công ty phát triển lên tầm cao mới. Một số quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada đã đặt vấn đề hợp tác nhưng tôi không đồng ý bởi chưa tìm được nhà đầu tư có cùng chí hướng” – anh Kiều bộc bạch.
Bài và ảnh: Thanh Nhân
https://nld.com.vn/dua-chuyen-doi-so-vao-nganh-y-196240818201840305.htm